Bài học của cha mẹ thế hệ ALPHA
Là cha mẹ của thế hệ Alpha (các bé sinh từ 2010-2024), việc nuôi dạy những đứa trẻ trưởng thành trong thời đại của A.I chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Bổ sung vào tủ sách nuôi dạy con của mình những tháng gần đây là Ươm mầm- Osho, Cái giá của đặc quyền- Madeline Levin, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ- Đặng Hoàng Giang. Ba cuốn sách với các đề tài, mẩu chuyện khác nhau đã mang đến cho mình những bài học, những chia sẻ cực kì hay và rất “thấm” mà mình xin phép được trích lược một số đoạn hay như sau:
Trong cuốn “Cái giá của đặc quyền”, tác giả đã đưa ra những ví dụ điển hình theo sự phát triển từng mốc thời gian của trẻ để từ đó các phụ huynh có thể thấu hiểu, đồng cảm trong hành trình cùng con lớn khôn. Có đoạn dành cho các bé thời tiểu học như “ Cha mẹ cần giúp trẻ duy trì được cách nhìn nhận khách quan và không từ bỏ các sở thích từ quá sớm-8-11 tuổi…Hãy cẩn trọng để không quá nhận mạnh vào thành tích và sự cạnh tranh. Trẻ cần thấy rằng thứ chúng ta coi trọng nhất là tính cách, tiếp đến là sự nỗ lực và sau đó mới là điểm số.” Mình nghe được câu chuyện từ một gia đình nọ có bé 9 tuổi đang theo học trường quốc tế, bé đi tập gym cho khỏe người nhưng dường như cậu không còn chút sức lực nào cho các bài tập thể dục. Ngoài thời gian lên lớp, mẹ cậu bé ép học thêm tại các trung tâm bên ngoài về phát triển tư duy, bắt học piano dù cậu bé không thích, bắt đi đến phòng tập để nâng cao sức khỏe cho con nhưng đổi lại là câu “con không thấy khỏe đâu mà chỉ thấy mệt thôi”- tất nhiên câu nói ấy cậu chỉ dám trao đổi với PT. Về lý thuyết, người mẹ này không sai, học piano có tác dụng phát triển não bộ cho trẻ đang ở độ tuổi rất phù hợp để luyện tập, tập gym sẽ giúp cơ thể dẻo dai khỏe mạnh tăng đề kháng, học các trung tâm phát triển tư duy giúp con có thể diễn đạt ngôn ngữ từ suy nghĩ đến hành động, tính toán một cách hợp lý sau này. NHƯNG, vấn đề ở đây là bà mẹ không GIÚP con mà đang ÁP ĐẶT những gì tốt nhất đồng thời bỏ qua những sở thích cá nhân của cậu vì nghĩ rằng trẻ con thì biết gì, người lớn như mình cần phải quyết định. Tâm lý sợ con “tụt hậu” so với các bạn cũng là nỗi lo thường trực của rất nhiểu bà mẹ khi con bắt đầu vào tiểu học vì thế mà hết trung tâm này trung tâm nọ mọc lên như nấm.
Có đoạn rất hay tiếp theo về lứa tuổi thanh thiếu niên đó là: “15-17- lứa tuổi tìm ra cái tôi đích thực, có sự phát triển về nhận thức, xã hội. Tuyệt đối không bao giờ cho phép bọn trẻ dùng tiền để giải quyết vấn đề. Ngay khi giảm nhẹ hậu quả mà đương nhiên trẻ phải chịu, là chúng ta đã tước đi ở chúng cơ hội học được bài học quan trọng nhất của cuộc đời, rằng ai cũng phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm”. Trong sách tác giả đã đưa ra các ví dụ về trường hợp phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên… và cách xử lý, còn thời mình thì cấp 3 đi học trong cặp thời đó chỉ có 10.000vnd mà thôi nê mọi chuyện tiền nong là do bố mẹ quyết định. Điển hình nhất là chuyện biếu tặng thầy cô, không biết các bạn thời nay thế nào chứ thời mình ngày xưa đi học, chỉ cần học thêm đầy đủ, lễ Tết hay 20/11 phong bì quà cáp nhiều nhiều cho thầy cô thì mặc nhiên đầu tiên là bạn đó sẽ luôn được ưu ái hơn so với các bạn khác. Mình nghĩ ban đầu thầy cô sẽ không “cần” đâu nhưng chính các phụ huynh, những người “có tiền- có quyền” tạo nên việc này như một thông lệ để rồi rất nhiều thầy cô “bị” mang tiếng xấu.
Một trong những vấn đề chung mà ba cuốn sách đều đề cập đó là sự tự lập của trẻ, hãy để trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức để tự đưa ra mọi quyết định.
– Trong “ Cái giá của đặc quyền” tác giả có đoạn: “Tư duy ngoài khuôn khổ-trẻ cần năng lực này để tư duy linh hoạt và sáng tạo khi gặp vấn đề trong học tập, quan hệ xã hội, gia đình và cả chuyện cá nhân. Mỗi lần chúng ta nóng vội giải quyết vấn đề hộ con là một lần chúng ta tước đi ở con cơ hội đưa ra những giải pháp mới, một lần được bổ sung công cụ mới vào “hộp” kĩ năng của trẻ. Chúng ta đồng thời cũng lấy đi ở trẻ ý thức về việc mình có khả năng tự tìm ra cách giải quyết việc của mình”. Với con cái, lúc nào chúng ta cũng vội vã đưa ra gợi ý, đề xuất các giải pháp thay thế hoặc giải quyết luôn vấn đề cho con. Khi can thiệp quá sớm như vậy, chúng ta sẽ mất đi cơ hội để hiểu thêm một chút về con mình, về kĩ năng của chúng đã phát triển thế nào khi gặp phải một tình huống khó khăn.
-Trang 139 trong cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”– Tác giả Đặng Hoàng Giang cũng chỉ ra “những người bón sẵn cho con hay được gọi bằng một cái tên khác :cha mẹ xe ủi, không được luyện tập để đối mặt với khó khăn, đứa trẻ thiếu sự tự tin và lòng dũng cảm”…
-Hay trang 207 trong cuốn “Ươm mầm” của Osho có đoạn: “ Nếu không có được sự giáo dục đúng đắn, bạn sẽ lừa dối bản thân, bạn sẽ trở thành như một cỗ máy, chỉ biết vâng lời. Bạn không thể hành động như một sinh vật thông minh vì một sinh vật thông minh sẽ cư xử một cách thông minh và sẽ đến những thời điểm, anh ta từ chối tuân lệnh”.
Sách vở là là thế nhưng mình không ngờ là thực tại vẫn còn rất nhiều các ông bố bà mẹ nuôi dạy con như kiểu búp bê được đặt trong lồng kính. Sợ nguy hiểm, sợ khó, sợ khổ, sợ đủ thứ trên đời và thế là họ phải là người làm những việc mà đáng ra con họ phải làm. Còn những đứa con đó thì sao, ung dung tự tại vô lo vô nghĩ vì đã có bố mẹ làm cho. Hệ quả của những đứa bé đó là khi lớn lên, tính lười nhác, ỷ lại cực cao và một điều quan trọng là những đứa trẻ đó không thể khôn lớn khi rời xa vòng tay bố mẹ chúng, chúng không biết cách đưa ra bất kỳ một quyết định nào dù là nhỏ nhất.
Nguồn: ThoughtCo.com
Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày nuôi dạy khó khăn vất vả nên ai mà chẳng muốn dành cho con những tình yêu bao la tuyệt vời nhất, nhưng chúng không thể cứ mãi ở bên chúng ta suốt cả cuộc đời. Giúp con lớn lên trong hạnh phúc, khỏe mạnh, có thể độc lập tự chủ và không để bản thân trở thành những “cha mẹ độc hại” là điều mình muốn hướng tới ở đây. Hy vọng cụm từ “cha mẹ độc hại” mà sách nhắc tới sẽ không còn xuất hiện ở thế hệ gen Y như mình nữa.
Tháng 8/2024