HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ HANG VA (PHẦN CUỐI)
13h35, sau khi tất cả mọi người thay đồ và sắp xếp xong hết hành lý lần cuối thì cả đoàn mới bắt tay vào dùng bữa trưa. Chỉ có các món đơn giản như trứng chiên, thịt sườn kho, canh trứng cà chua bí xanh nhưng chỉ trong vài phút là bàn ăn đã hết sạch vì ai cũng đói. Không còn nhiều những câu chuyện kể như tối hôm qua mà thay vào đó chỉ là vài ba câu đùa vui tạo thêm chút không khí vì ai cũng im phăng phắc tập trung đầu tư cho chiếc bụng đói của mình.
Mọi người đang thu gom đồ đạc lần cuối trước khi lên đường “hành quân”
14h chiều, mọi người xuất phát cho quãng đường khó nhằn cuối cùng, uphill&downhill cùng với ba lô hơn 5kg trên vai. Từ đầu chuyến đi đến giờ, mặc dù có rất nhiều chướng-ngại-vật khó nhằn cần phải vượt qua nhưng tất cả đều diễn ra trong hang với nhiệt độ vô cùng mát mẻ. Cũng chính vì chưa thấy tình trạng mệt mỏi, thở dốc, tim đập nhanh nên khi đến những đoạn uphill với độ dốc lớn, đòi hỏi phải bước những bước dài và đi liên tục thì mình kết luận rằng, bài tập cardio thể lực cuối cùng đã xuất hiện.
Vì mình đi trong tốp đầu, theo sau 4 người nước ngoài nên tốc độ lúc nào cũng phải bắt kịp với người phía trước. Các đoạn leo núi hoàn toàn dựa trên những phiến đá hay khoanh đất có sẵn để bước lên. Có đoạn vì quá dốc (phải bằng 3 bậc cầu thang gộp lại) nên mình phải vịn vào các khối đá xung quanh để tiếp tục, nhiều đoạn rẽ mà chỉ toàn đất cát nhưng các anh hỗ trợ với đôi dép cao su cứ thế băng băng mà đi thấy nể thật sự. Gặp những đoạn có thể bám vào những thân cây tạo thành điểm tựa vững chắc trèo lên mà thấy yên tâm hẳn. Ở chặng cuối cuộc hành trình này vốn ban đầu mình định sẽ tiếp tục đeo điện thoại trước ngực giống như trong hang để có thể ghi lại thật nhiều khoảnh khắc cho lần đầu tiên leo núi nhưng vì điện thoại đã va đập quá nhiều khi di chuyển trước đó trong hang nên mình quyết định cất trong ba lô- và cũng may mà không mang. Chỉ cần nghĩ đến cảnh điện thoại lơ lửng trước ngực thôi thì chắc chắn sẽ làm giảm nhịp độ của mình khi leo núi, chưa kể những khối đá sắc nhọn khi đạp vào thì dù có để trong bao cũng vẫn xót. Nhịp độ của đoàn đi không nhanh nhưng phải leo dốc liên tục để lên đến đỉnh núi nên nhịp tim đập cực nhanh, nhờ vào tập gym đều đặn trước đó mà mình cũng biết cách điều hoà nhịp thở ổn định nên dù có mệt đứt hơi, phải thở dốc nhưng chỉ cần vài chặng dừng nghỉ là có thể tiếp tục mà không bị “đuối”.
Khi được thông báo là đang ở trên đỉnh núi, ai nấy cũng chỉ kịp đảo mắt một vòng xung quanh mà không buồn chụp tấm ảnh kỉ niệm vì xung quanh toàn cỏ cây, không có một điểm nhấn nào để biết là mình đang trên đỉnh. Lên đến đỉnh rồi thì bắt đầu công đoạn xuống núi thôi. Tưởng đâu đi xuống thì đỡ mất sức nhưng mà lại khó không tưởng. Ở đoạn này không còn luyện về nhịp tim nữa mà chuyển sang luyện về sức bền và độ dẻo dai của từng người. Bắt gặp những khúc đá nhọn hoắt bị cây che hơi khuất tầm nhìn để leo xuống thế mà vẫn cứ đi. Có những đoạn đất mềm dễ té ngã mà vẫn phải cố giữ thăng bằng, gồng cơ bụng, hơi khom người, hạ gối mà trèo qua. Đoạn xuống dốc này rất nhiều khúc đá nhấp nhô, một số chỗ lại khá nhọn đến nỗi không dám nghĩ đến những cảnh tồi tệ hơn. Có lẽ đó chính là lý do mà uphill downhill vẫn cần nón bảo hộ và găng tay. Ở đoạn downhill này, nỗi sợ được đẩy lên cao đến đỉnh điểm, vừa mệt sau đoạn uphill, lại phải tập trung tối đa nhãn quan để nhìn đường nên dù mồ hôi chảy đẫm trên mặt cũng không dám lấy tay lên lau, cũng không dám ngó nghiêng xung quanh vì sợ chỉ cần lơ là vài giây thôi là té ngã đến trầy da chảy máu như thường. Lần đầu tiên mới cảm nhận được “vị” mồ hôi là như thế nào, thời tiết lúc đó không quá nóng nhưng nước từ trán từ tóc thì không ngừng tuôn ra như tắm, điều mà ở đoạn uphill không có. Vì đôi bàn tay đều dính đầy bùn đất nên mọi sự lấm lem mệt mỏi trên khuôn mặt có ra sao thì cũng chịu vậy, chả mấy khi.
Xuống đến mặt đất là nhẹ cả người vì sẽ không còn cảnh leo trèo nguy hiểm như thế kia nữa, phía trước chỉ là đoạn đường bằng, băng theo con suối rồi ra ngoài mà thôi. Đúng là khi ở trong rừng, cứ đi men theo con suối là chắc chắn sẽ thấy được văn minh con người phía trước giống như các phim tài liệu của Bear Grylls đã phát. Đến đoạn suối có thác nước nhỏ, vì không thấy đoạn nào để tiếp tục đi nên mình đã hỏi và được hướng dẫn cứ tự đi theo lối bên kia rồi lên còn những ai muốn chụp ảnh thì tiếp tục chụp kỉ niệm. Nhìn lên là cây cầu bắc qua, bên cạnh là những bậc thang chắc chắn để leo lên, đây chắc chắn là điểm cuối rồi. Đường lộ có ghi tấm bảng khi bước lên là Cầu Khe Ván Km 28+100 mà nhiều người chạy xe qua sẽ không nghĩ được rằng chỉ cần đi xuống dưới, băng suối băng rừng là đến được hang Va. Nói thì dễ vậy thôi chứ đối diện là trạm kiểm lâm thì ai mà dám tự đi. Khi đã về đến nhà, nhìn lại những hình ảnh trên từng cung đường đã đi mới thấy khó và nguy hiểm thật sự, nhất là ở đoạn xuống núi. Không có dây bảo hộ, phải vịn và vòng qua những đoạn mà chỗ đặt bàn chân làm điểm tựa rất nhỏ, phải cố gồng người bước qua mà không nhìn xuống vì phía bên cạnh là vực khá sâu. Thế mới thấy là trước đó bên Oxalis gửi bảng câu hỏi về sức khoẻ thì cũng đều có lý do cả. Chuyến đi chắc chắn không thể dành cho những ai quá to mập, sợ độ cao hay lười vận động.
Bước qua những mỏm đá trơn trượt là điều quá bình thường
Hành trình đi Hang Va hai ngày một đêm là một trải nghiệm tuyệt vời vừa đủ mà đến khi về nhà đứa nào cũng thổn thức sung sướng vì những gì đã đạt và vượt qua. Gần như tất cả mọi thử thách dành cho ai yêu thích thể thao mạo hiểm đều có như leo trèo đu dây, bơi, bò trườn, uphill downhill trekking mỗi thứ một tí vừa đủ lần lượt xuất hiện ở chuyến đi Hang Va. Cột mốc để đây và gói lại như món quà kỉ niệm cho sinh nhật tuổi 32, hy vọng là vài năm tới mình vẫn còn đạt yêu cầu sức khoẻ để chinh phục một hang với độ khó cao hơn trước khi về đích với Sơn Đoong.