SÁCH VỀ CON NGƯỜI BẮC ÂU NÊN ĐỌC

0

Với vốn hiểu biết hạn hẹp, chỉ thông qua vài cuốn sách cùng chuyến đi ngắn ngày đến Bắc Âu là không đủ để thoả lấp sự tò mò tìm hiểu về con người khu vực bán đảo Scandinavia thế là mình lại lọ mọ lên mạng tìm hiểu thông tin mô tả rõ hơn về cuộc sống và con người xứ Bắc Âu nhưng quả thật không nhiều. May sao lại nhờ bài post của nhà báo Trương Anh Ngọc mà mình biết đến cuốn sách “Những người gần như hoàn hảo” của Michael Booth, tác giả miêu tả chi tiết cụ thể “đặc trưng” của mỗi quốc gia Bắc Âu giúp người đọc có hình dung và cảm nhận rõ hơn về những quốc gia được coi là hạnh phúc nhất Thế Giới.

Hiểu về những con người giản dị Bắc Âu đầu tiên phải kể đến Luật Jante- mười điều răn Đan Mạch rồi sau đó được lan truyền lên toàn bộ khu vực Bắc Âu:

  • Đừng nghĩ rằng bạn đặc biêt.
  • Đừng nghĩ rằng bạn tốt hơn người khác.
  • Đừng nghĩ rằng bạn thông minh hơn người khác.
  • Đừng tưởng tượng về bản thân tốt hơn mọi người.
  • Đừng nghĩ rằng bạn biết hơn mọi người.
  • Đừng nghĩ rằng bạn quan trọng hơn người khác.
  • Đừng nghĩ rằng bạn đã giỏi bất cứ điều gì.
  • Đừng cười nhạo người khác.
  • Đừng nghĩ rằng tất cả mọi người cần quan tâm đến bạn.
  • Đừng nghĩ rằng bạn có thể dạy bảo người khác.

Những điều mà tác giả kể ra trong cuốn sách thì mình mới thấy Luật Jante này thật sự ăn sâu và bám rễ trong mọi suy nghĩ của người dân không chỉ ở Đan Mạch mà gần như áp dụng sang cả Na Uy, Thuỵ Điển một cách rõ rệt. Họ khá nhàm chán trong các quảng cáo bán hàng, sống hơi quy tắc, sống ẩn mình và không thích phô trương. “Họ khinh bỉ những con người khoe khoang bởi vì họ cực kỳ coi trọng sự bình đẳng”. Trải nghiệm thực tế khi mình đi shopping ở Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển thì quả thực rất khó để lựa quần áo đẹp vì mình không thể phân biệt nổi đâu là áo cho nam đâu là áo cho nữ vì form họ bán đa phần khá rộng, lại toàn đồ unisex. Người Thuỵ Điển trong cuốn sách cũng được miêu tả là “ít nói, nghiêm túc, cứng nhắc, nhàm chán, thân thiện ngoài mặt, khó gần, đúng giờ, không linh hoạt, kiêu ngạo, cẩn thận quá mức”. Bất ngờ nhất là mình đọc được đoạn “khi sinh con người phụ nữ Thuỵ Điển cố gắng rên la ít nhất có thể và họ thường hỏi sau khi đã sinh xong rằng liệu họ có gào thét quá nhiều không”- những người ở đây họ chịu kìm nén cảm xúc thật….

Vì trời lạnh nên màu sắc trang phụ của họ khá giống nhau- Flam T9/2024

Người Đan Mạch tự hào là quốc gia sở hữu lá cờ đẹp nhất thế giới, thực tế theo như mình được giới thiệu thì đúng là lá cờ họ có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Họ yêu lá cờ của mình đến nỗi chỉ cần ra đường là thấy nhà nào cũng treo cờ bên ngoài mặc dù không phải dịp lễ đặc biệt gì, trên các món quà lưu niệm mình mang về như ly uống rượu hay miếng hít tủ lạnh thì hình chữ thập trắng trên nền cờ đỏ chữ nhật lúc nào cũng xuất hiện dù là ở vị trí nhỏ nhất. Trong sách tác giả còn kể “việc nhìn thấy những quả chuối bày trong siêu thị được trang trí những lá cờ Đan Mạch….để thu hút sự chú ý của người mua hàng…” làm mình cảm thấy đúng là người dân họ chỉ cần thấy lá cờ nước họ là lập tức họ yêu và tin tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm tại Đan Mạch, tất nhiên đa phần sẽ mua ngay.

Cafe phơi nắng lúc 16h tại Oslo Opera House

Trong chương 7 cuốn sách có nói về khoản thuế mà người dân Đan Mạch phải chịu là 25%, mình thấy mức này đồng thời cũng áp dụng cho cả Na Uy và Thuỵ Điển. Là người nước ngoài, chỉ đến khu vực Bắc Âu chơi ít ngày nên tất nhiên vẫn phải đi siêu thị mua sắm ít đồ, chưa kể là một loạt những đồ lưu niệm mà đã thấy chịu không nổi mức giá này, thế mà họ lại “vui vẻ hạnh phúc” khi được đóng thuế, vui thế nào ta??? Khi tác giả nêu ra những dẫn chứng nhất định rồi đi đến kết luận “Người Đan Mạch thực sự thờ ơ với khoản thuế họ phải nộp….họ sẽ không phản đối, dù một chút thôi, miễn là những người ốm đau, thất nghiệp vẫn được chăm sóc, bệnh viện, trường học vẫn có đủ nguồn quỹ, quan trọng nhất là sự an toàn vẫn được duy trì”. Nhiều người Đan Mạch còn tự hào khi được đóng nhiều thuế, họ “tin tưởng chính phủ của họ sẽ sử dụng tiền bạc một cách sáng suốt”. Không chỉ bị thuế ở các mặt hàng nhu yếu phẩm bình thường mà họ đi đâu cũng bị đánh rất nhiều thuế gồm thuế thu nhập, thuế sở hữu nhà, thuế ô tô (180%), thuế xăng (75%), thuế đường bộ….Cũng chính vì lý do đó mà tại sao chi phí du lịch ở các quốc gia Bắc Âu lại cao đến thế một phần vì chi phí đi lại cực kỳ cao. Chính vì thuế ô tô Đan Mạch cao như vậy nên đường phố khắp nơi họ đều đi xe đạp, ô tô đa phần sẽ là dòng hybrid đặc biệt là Na Uy. Khi đi qua các trạm xăng dầu từ trong trung tâm thủ đô Oslo cho đến các vùng ven lân cận thì giá xăng tăng dần đều, không cố định trên toàn quốc, dao động tương ứng từ 80.000-90.000 vnd/1 lít xăng.

Ngoài các câu chuyện tại Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, tác giả còn đề cập đến Iceland, Phần Lan và những mối liên hệ lịch sử của những quốc gia này mà trước giờ mình ít được nghe nói đến. Cuốn sách “Những người gần như hoàn hảo” này đi sâu chi tiết từng ngóc ngách về tính cách con người, xã hội, chính trị của mỗi quốc gia dưới góc nhìn của nhà báo diễn giả người Anh với câu chuyện kể rất bổ ích, thực sự rất phù hợp với những ai có nhu cầu tìm hiểu thêm về đời sống văn hoá khu vực bán đảo Scandinavia này. Kết thúc những kỉ niệm, những thắc mắc về cuộc sống con người vùng biển Bắc bằng một cuốn sách được miêu tả gần như đầy đủ và chi tiết làm mình vô cùng hài lòng. Khép lại chương về hành trình Bắc Âu tại đây thôi nhỉ!

 

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.