Sách về nước Nhật – Phần 1

0

Bảy cuốn sách đã đọc về Nhật Bản là bảy màu sắc văn phong khác nhau của 6 tác giả giúp bản thân tôi có cái nhìn chân thực, tổng quan về con người, lối sống, cách họ suy nghĩ và vẫn dụng thực tế để hiểu hơn về đất nước từng là phát xít bị ghét bỏ trên thế giới, là nơi bị hai quả bom nguyên tử nhưng vẫn kiên cường mạnh mẽ đứng dậy để vươn lên thành một trong những cường quốc trên thế giới.

 

  1. Lối sống tối giản của người Nhật:

Tác giả Sasaki Fumio đã giúp tôi nhận ra thế nào là một con người tối giản, hiểu rõ cái gì cần thiết và cái gì không thực sự cần thiết. Từ đó tôi cũng biết thế nào là “đủ” cho bản thân, điển hình nhất là quần áo, giày dép. Tôi đã tự mình thanh lọc kha khá các bộ đồ để lâu trong tủ mà không còn dùng đến, mua từng cái áo đến quần với những gam màu đơn giản để dễ phối đồ mà nhìn lâu không bị chán hay việc mỗi lần đi shopping, nếu như tôi muốn mua thêm một món đồ mới thì sẽ phải nghĩ “ đồ ở nhà cần bỏ cái gì” và từ đó có quyết định mua nữa hay không. Không vứt bỏ hết như tác giả nhưng tôi cũng học được những gì nên giữ và những gì nên chấp nhận từ bỏ. Ví dụ như tôi luôn muốn nhà phải có giá sách to thiệt to để tôi tha hồ mua sách, phân loại các thể loại, đôi khi có những nội dung hay mà trí nhớ không tốt như tôi lại quên mất thì có thể lấy đọc và nghiền ngẫm lại chứ không phải là để khoe mẽ, tôi không thể bán hay cho ai sách vì mỗi cuốn tôi mua gắn liền với kỉ niệm nào đó khiến tôi biết đến nó. Tôi cũng vẫn giữ hộp kỉ niệm với đủ thứ linh tinh như vé tàu xe máy bay từ năm nảo năm nào đến những chiếc thẻ Ngân hàng hồi mới vô được cấp miễn phí hay card, bản đồ của nước nào đó tôi từng ghé, lâu lâu mở ra thấy bám đầy bụi nhưng không nỡ vứt, vì một khi đã vứt thì chắc chắn sẽ quên, mà tôi là một người luôn thích lưu giữ những gì gọi là “kỉ niệm”.

Căn phòng theo phong cách tối giản tại KS Sinko-Yamnashi

Sảnh tiếp khách tại KS Sinko

Trong sách cũng có những câu rất hay như: “ Chẳng món đồ nào có thể so được với những kỷ niệm, càng hồi tưởng lại càng thấy vui vẻ hạnh phúc, nhưng con người lại luôn chi tiền cho đồ dùng, dụng cụ hơn là những trải nghiệm, thực tế thì hính kinh nghiệm mới mang lại cho bạn niềm hạnh phúc lâu dài. Việc tích lũy kinh nghiệm, nâng cao khả năng hành động sẽ giúp bạn có nhiều cảm nhận phong phú. Nếu trở thành một người sống tối giản,biết bản thân cần gì, thì bạn sẽ không tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi”. Những câu này quả thực rất đúng với suy nghĩ hiện tại của tôi, tôi của những năm trước đây hơi “khát” vật chất. Còn nhớ những ngày đầu đi làm, khi nhận được những đồng lương đầu tiên, tôi đã dành hơn 1/3 để mua túi hiệu, đồng hồ, mỹ phẩm toàn những thứ vài triệu trở lên để dát lên người vì xung quanh các anh chị đồng nghiệp ai cũng mang như vậy. Cứ như vậy một gian rồi tôi lại chán, rồi lại mua. Chỉ đến khi những năm gần đây, khi đọc nhiều, hiểu nhiều, tôi mới ngộ ra “ biết đủ là hạnh phúc”. Tôi vẫn mua hàng xa xỉ nhưng ít mà chất. Tôi không có nhu cầu phải mua nhiều dòng, nhiều mẫu mới để trưng bày kệ tủ vì tôi không phải nghệ sĩ, không phải người nổi tiếng nên không cần đánh bóng bất kì thứ gì. Phụ nữ phải sang, phải đẹp, phải hiểu biết là những gì tôi học từ 2 cuốn “Madam Chic” và “Phụ nữ hiểu biết sẽ có cuộc sống đẳng cấp hơn”.

Việc sống tối giản còn giúp mình làm việc nhà nhanh chóng, ít đồ đạc, dễ dọn dẹp, nhà sẽ tự nhiên sạch sẽ.

Ngoài ra ở trang 202, tác giả liệt kê rất nhiều việc để thử sức và có ba việc khá giống với tôi của hiện tại đó là: tập thiền, tập yoga, lập một trang web riêng cho mình.

Nếu phải chọn “hối tiếc vì không làm” thì tôi thà chọn “hối tiếc vì lỡ làm”.

“Có một loại thông tin là tin rác, nhìn lướt qua đấy có vẻ là thông tin quan trong thu hút người đọc nhưng thật ra đó chỉ là thông tin ta cho vào đầu để giết thời gian và từ lúc đọc cho đến cuối đời cũng không bao giờ có thể nhớ lại được. Những người bị nhồi quá nhiều thông tin rác có xu hướng suy giảm IQ còn nhiều hơn cả hút cần sa”, đọc xong những dòng này tôi đã quyết tâm không đọc các tin tức vô bổ nữa để có thời gian làm những việc khác, tuy khó nhưng cũng cố gắng từng ngày.

“Tĩnh tâm ngồi thiền như cài lại hệ điều hành cho bản thân’”

“Tiêu tiền vào các trải nghiệm và con người hơn là vào vật chất, trải nghiệm với thiên nhiên, gặp những người muốn gặp, tặng tiền cho các quỹ từ thiện”- Một trong những kim chỉ nam trong cách tiêu tiền mà tôi rất ưng.

Khi đi siêu thị tôi cũng mua đồ đủ cần thiết ăn uống sinh hoạt chứ không chất hết đồ trong tủ lạnh chật kín, và cũng không biến căn nhà mình thành nhà kho mini của những cửa hàng tạp hóa ngoài kia.

Bữa ăn đơn giản nhưng đầy đủ chất của người Nhật

 

Đọc sách là một chuyện và cách áp dụng là một chuyện khác, tuy không thể trở thành người sống tối giản 100% nhưng con người luôn theo chủ nghĩa tối giản, đơn giản nhất hết mức có thể để phù hợp với bản thân, phong cách sống của mình.

 

(còn tiếp)

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.