Tình yêu Đất Nước qua Nhật ký Đặng Thùy Trâm

0

Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Anh hùng Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm được xuất bản vào tháng 7/2005 nhưng đến tận ngày Thương binh Liệt sĩ năm 2024 mình mới bắt đầu làm quen với quyển nhật ký này qua giọng đọc kể chuyện trước khi đi ngủ trên podcast. Sau hơn một tuần nghe hết quyển nhật ký, mình đã quyết định đặt mua cuốn sách này, phải cầm trên tay và đọc lại lần nữa để hiểu thêm về cuộc sống suy nghĩ của thế hệ trẻ thời đó khi sống dưới làn bom đạn bất khuất kiên cường như thế nào.

Sở dĩ cuốn Nhật ký này xuất bản gần 20 năm mà bây giờ mình mới được tiếp cận vì hai lý do sau. Đầu tiên là nỗi sợ chết chóc, giết nhau, máu me… mình cực kỳ sợ và ghét bệnh viện nhất là các khoa cấp cứu, khi biết cuốn này kể về đề tài chiến tranh thì từ hồi còn đi học và những năm sau đó mình cũng không có nhu cầu tìm hiểu. Thậm chí phim Đừng đốt được chuyển thể từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm mình cũng không coi vì chắc cũng chỉ lui tới các nội dung loanh quanh về tình yêu nước và đấu tranh chống Giặc Mỹ mà thôi. Lý do thứ hai mà quyển Nhật ký này chưa phải là ưu tiên số 1 cho việc đọc sách vì thời đi học, môn Lịch sử hay Văn học đã được lồng vào rất nhiều bản Anh hùng ca bi tráng hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ nhàm cả lỗ tai nên việc đọc tiếp một quyển về Chiến tranh thật sự khá mệt mỏi, khi lớn hơn chút thì kiếm các sách về selfhelp, về chuyên môn, về du lịch, văn hóa….. Phải đến gần đây, tư duy có phần hanh thông, suy nghĩ thêm phần chín chắn trưởng thành thì hai nỗi sợ phía trên đã phần nào giảm bớt. Mình đã xem gần full phim tài liệu về Chiến tranh Thế giới thứ 2, Trân Châu Cảng, về Hitler và đặc biệt là sau khi cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, được nghe kể về những chiến công cho Đất nước, cho Tổ Quốc cho Cách Mạng của ông thì trên mạng là loạt các đề cập về sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Điệp viên hoàn hảo X6”-chắc chắn sau này sẽ mua đọc,….nên lúc đó mình mới nghe podcast trước và mua sách sau, đọc muộn cũng được nhưng có vẫn hơn không.

Xin phép được gọi nữ Anh hùng Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm bằng “Chị”. Ở độ tuổi ngoài 25, Chị đã xung phòng tình nguyện vào chiến trường miền Nam  giúp các anh bộ đội điều trị, chữa bệnh. Ở độ tuổi hay mộng mơ của người con gái, Chị cũng có người yêu và người yêu chị cũng đang chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. ”Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thuỳ có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống mà chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Th. lại nghĩ đến riêng tư?”- đọc đoạn này thương Chị thật sự. Vì chiến tranh mà hai người hai ngả, thư từ trao đổi liên lạc đã khó mà tình cảm đáp lại chưa nhận được là bao, rất nhiều ngày trong cuốn Nhật ký này Chị đã kìm nén không  cho phép  nghĩ  nhiều đến chuyện yêu đương vì trên tình yêu đôi lứa là tình yêu Tổ Quốc. Giá như đó là thời bình, Chị chắc chắn đã có một tình yêu đẹp với kết thúc đầy viên mãn.

Tuổi trẻ của các thanh niên thời bấy giờ thật đáng ngưỡng mộ, họ gan dạ kiên cường trong chiến đấu, hy sinh đầy oanh liệt với một niềm tin đất nước sẽ có ngày được Độc lập, Tự do. Một số trang viết trong nhật ký được Chị miêu tả những lúc dầu sôi lửa bỏng, những lúc địch càn quét đến nơi mà chỉ còn cách chị vài bước chân ẩn nấp, chỉ tưởng tượng thôi em đã thấy run sợ không khác gì xem các bộ phim hành động rồi. Rất nhiều chiến sĩ bị thương với những vết thương xé da xé thịt, chỉ cần đọc đến đoạn có người sọ nát, có người bị mảnh đạn trúng liệt nửa người, có người phải cắt cụt chi….. là em sợ kinh người Chị ơi. Các Anh Chị thời đấy thật gan góc-lì lợm-kiên cường-dũng cảm-lạc quan-yêu đời và đặc biệt là không-sợ-CHẾT!

“Rủi ro mình hy sinh thì sao chị? Thì thôi chớ sao!….”

Họ sống thật đúng với những câu thơ mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết:” Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”

Đọc xong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm khiến mình càng thêm biết ơn những người đã hy sinh anh dũng để Đất nước có được một ngày yên bình-tươi đẹp- phát triển như hôm nay. Càng đọc mới càng thấy rằng những nỗi “đau” trong suốt 30 năm cuộc đời của mình không thấm tháp là gì so với người chiến sĩ khi ra trận, càng đọc mới càng thấy mình may mắn khi sinh ra ở thời bình để không phải chịu cảnh mất mát chia ly. Dù biết là từng câu từng chữ có phần sến súa, muộn màng nhưng mình xin nguyện tiếp tục kế thừa và truyền dạy cho đời con đời cháu hiểu rằng: có được nền Độc Lập như hôm nay thì phải đánh đổi biết bao máu và nước mắt. Xin được phép mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” thay cho lời kết:

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn

Nguồn:nhadepso.com

 

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.